i. Cách đây một năm, trong một chiều đông ở quê, tôi ghé Trạm, ngồi nhâm nhi cốc ame đá và bước vào những trang “Dám hạnh phúc”. Trong vòn vẹn 20 trang đầu, câu hỏi được đặt ra khiến tôi suy nghĩ:
Mục đích của giáo dục là gì?
Sự khác nhau giữa tôn giáo, triết học và tâm lý học là gì?
Tại sao thực hành tư tưởng Adler cần tình yêu?
Làm sao để thấu cảm hơn?
Nhưng có 1 câu khiến tôi để ý, vượt ra khỏi tầng lý thuyết hơn cả: Ta có đang tôn trọng chính mình không?
“Tôn trọng là khả năng nhìn nhận người đó như chính họ, nhận biết người đó là tồn tại độc lập và độc nhất vô nhị.” – Erich Fromm
Khi nhìn lại những mốc sự kiện trong cuộc đời, có bao giờ bạn tự hỏi: “Mình đã tôn trọng chính mình chưa?” Hay đang tìm cách hoàn thiện bản thân dưới lăng kính của người khác?
Nguồn gốc của từ "tôn trọng" (respect) trong tiếng Latin là "respicio", mang nghĩa "nhìn". Nhìn để thấy, nhìn để nhận biết, nhìn để không áp đặt.
Ta có thể tôn trọng ai đó nếu chính ta chưa tôn trọng bản thân không?
Tôn trọng không chỉ là không áp đặt giá trị lên người khác, mà còn là chấp nhận rằng bản thân mình cũng là một thực thể độc lập, có giá trị riêng. Thấu hiểu những mong muốn, giới hạn, cảm xúc của chính mình mà không phán xét hay xem nhẹ.
Đấy là sách “Dám bị ghét” nói.
ii. Trong cuốn Search Inside Yourself, tôi tâm đắc nhất một concept này:
Strong emotional awareness → More accurate self-assessment → Higher self-confidence
Đại loại là khi hiểu mình đang trải qua cảm xúc gì, mình sẽ thấu hiểu bản thân (self-aware) tốt hơn. Khi hiểu thấu rồi sẽ tự tin vững bước là mình hơn.
Tác giả Chade-Meng Tan bảo sự tự tin không phải là gồng mình lên để tỏ ra mạnh mẽ, mà là hiểu rõ chính mình. Khi nhận diện được cảm xúc, mình có thể quan sát phản ứng của bản thân mà không bị cuốn theo nó. Cảm xúc không phải thứ để kiểm soát hay loại bỏ, mà là dữ liệu giúp mình hiểu rõ động lực và giới hạn của bản thân.
Nhận thức cảm xúc tốt dẫn đến tự đánh giá chính xác. Hiểu mình mạnh ở đâu, yếu chỗ nào, chúng mình sẽ bớt ảo tưởng hoặc tự ti vô lý. Người biết mình là ai không cần phải chứng minh gì cả, họ sẵn sàng học hỏi và điều chỉnh khi cần.
Và thế là tự tin đến, một cách tự nhiên. Không phải từ sự tâng bốc hay kỳ vọng bên ngoài, mà từ nền tảng vững chắc bên trong. Khi đã tôn trọng cảm xúc và hiểu chính mình, mình cần cứ thế mà bước tới.
Thỉnh thoảng tôi phải đọc lại để tự nhắc bản thân mindful nhận thức cảm xúc hơn.
À, tôi ấn tượng với một tip khá hay của ông này khi quan sát cảm xúc của mình.
Thay vì nói “I am angry.”, hãy nói “I experience anger” hoặc “I can feel anger”.
Cảm xúc không phải định danh của bạn. Nó là dữ liệu. Dùng nó như cách bạn dùng data để bày ra chiến lược marketing vậy.
Khi thực hành điều này, tôi chấp nhận và vượt qua cảm xúc hỉ nộ ái ố khá nhanh. Thậm chí tôi còn thấy ảo diệu khi, trong một khoảnh khắc thấy 2 nhân tính trong mình. Một bên cứ tức giận một bên cười ha hả vì nhìn lọt qua được sự xấu xí ẩn mình. Vui phết!
iii. E hèm, thể hiện sự tôn trọng có khi không chỉ nằm ở cách ta giao tiếp với người khác mà nằm ở cách ta đối xử với chính mình.
Đó là khi tôi lắng nghe nhu cầu của bản thân thay vì bỏ qua chúng (nhưng uống 2 cốc matcha latte một ngày để bị mất ngủ thì không).
Là khi tôi học cách không ép mình phải trở thành một phiên bản mà xã hội mong đợi mà thay vào đó, tôi lạc lối tìm đường riêng mà bản thân giỏi và tận dụng được nguồn lực.
Là khi tôi đặt ra ranh giới rõ ràng trong các mối quan hệ, biết khi nào nên nói không, biết khi nào nên dừng lại để bảo vệ năng lượng và cảm xúc của mình (ví dụ khi First Date chán quá, tôi sẽ không lắng lo, vì đã tự chuẩn bị sẵn kịch bản chuồn?).
Hình như, tôn trọng không chỉ là một nguyên tắc để đối đãi với người khác, mà cốt lõi là để hiểu và đối xử với chính bản thân trước. Tôi không cần phải trở nên hoàn hảo theo một chuẩn mực nào đó, chỉ cần chấp nhận, tôn trọng và liên tục tự vấn về hành động bản thân
À thì, tôn trọng bản thân (giống như yêu mình) là một hành trình dài, không phải một điểm đến. Nhìn mình như mình vẫn là.
Nhìn để hiểu rồi mới yêu được chứ?
Ừ thì để xem sao.
Bài viết là bài sắp cuối của thử thách 8 tuần Viết Tiếp Sức mùa 2 và bài đầu tiên của thử thách 30 tuần Viết Đến Chết mùa 2.
#viettiepsuc #vietdenchet
P/s: Viết nhảm gì không biết ;-; cảm ơn mọi người đã đọc